Part 3 : Đoạn hội thoại

Tip làm bài - 27/04/2021

Part 3 : Đoạn hội thoại

Phương pháp làm Part 3: 

Để làm tốt Part 3, bạn nên chú ý:

  • Đọc trước câu hỏi, xác định nội dung đoạn hội thoại.
  • Xác định vai trò của từng nhân vật.
  • Suy luận từ dữ liệu có sẵn.
  • Tránh các bẫy part 3.

Tổng quan:

Part 3 gồm 39 câu hỏi (từ câu 32 – 70), tương đương 13 đoạn hội thoại ngắn, tất cả chỉ được đọc một lần và không in trong đề thi. Mỗi đoạn hội thoại có 3 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 đáp án trả lời (đáp án A, B, C, D), bạn cần chọn một đáp phù hợp nhất cho câu hỏi và đánh dấu vào trong phiếu trả lời.

Phân bổ thời gian làm bài:

  • Trước khi bắt đầu phần nghe TOEIC part 3, các bạn sẽ được nghe phần hướng dẫn trong 30 giây. Bạn nên tận dụng khoảng thời gian này để đọc trước nội dung câu hỏi của đoạn hội thoại thứ nhất.
  • Sau khi nghe hết đoạn đối thoại, bạn sẽ nghe 3 câu hỏi liên quan đến đoạn đối thoại đó. Thời gian đọc câu hỏi là 1 giây, thời gian ngắt quãng giữa các câu hỏi là 8 giây. Tức là sau khi kết thúc đoạn đối thoại bạn có 27 giây để trả lời tất cả các câu hỏi trước khi bước sang đoạn đối thoại tiếp theo.
  • Vậy khi nghe đọc đến câu hỏi thứ 3, các bạn phải nhanh chóng giải quyết hết các câu hỏi và dùng khoảng thời gian còn lại để đọc trước câu hỏi đoạn tiếp theo.

Mẹo thi TOEIC Part3 #1: Đọc trước câu hỏi trước khi đoạn audio bắt đầu để có thể hình dung đoạn hội thoại đang nói về vấn đề gì.

Bạn hoàn toàn có đủ thời gian để đọc trước các câu hỏi để có thể dự đoán nội dung của đoạn hội thoại và biết trước mình cần chú ý đến những chi tiết nào trong đoạn hội thoại bằng cách phần bổ thời gian làm bài một cách hợp lý:

Thời gian Bạn làm gì? Kết quả
Đoạn băng đọc hướng dẫn cách làm bài Part 3. Bạn đọc 3 câu hỏi trắc nghiệm của đoạn hội thoại đầu tiên của Part 3. Việc đọc trước và hiểu ý nghĩa câu hỏi giúp bạn hình dung xem nội dung cuộc hội thoại là gì và có thể diễn ra ở đâu, và biết mình cần chú ý đến những chi tiết nào trong đoạn hội thoại.
Đoạn băng đọc đoạn hội thoại. Bạn tập trung nghe đoạn hội thoại và đánh trắc nghiệm vào Answer Sheet. Bạn làm xong đoạn hội thoại này một cách dễ dàng hơn nhờ đã đọc trước câu hỏi.
Đoạn băng đọc từng câu hỏi trắc nghiệm của đoạn hội thoại. Bạn đọc 3 câu hỏi trắc nghiệm của đoạn hội thoại tiếp theo. Việc đọc trước và hiểu ý nghĩa câu hỏi giúp bạn hình dung xem nội dung cuộc hội thoại là gì và có thể diễn ra ở đâu, và biết mình cần chú ý đến những chi tiết nào trong đoạn hội thoại.
Đoạn băng đọc đoạn hội thoại tiếp theo. Bạn tập trung nghe đoạn hội thoại và đánh trắc nghiệm vào Answer Sheet. Bạn làm xong đoạn hội thoại này một cách dễ dàng hơn nhờ đã đọc trước câu hỏi.

và cứ làm như vậy cho đến hết Part 3!

Cách đọc trước câu hỏi:

  • Đọc hiểu nghĩa của các câu hỏi.
  • Hình dung xem nội dung của đoạn hội thoại sắp tới hướng đến điều gì và diễn ra ở đâu.

Mẹo thi TOEIC Part3 #2: Theo dõi nội dung cuộc hội thoại theo từng nhân vật trong đoạn hội thoại

Trong bài nghe TOEIC Part 3, bạn sẽ có thể bắt gặp đoạn hội thoại giữa 2 hoặc 3 người. Nếu không xác định được vai trò của từng người trong hội thoại ấy, bạn sẽ rất dễ bị loạn và rối khi cố gắng bắt kịp những gì nhân vật nói.

Bởi thế, điều đầu tiên bạn cần luyện tập là xác định được giọng của từng người và vai trò của người đó trong hội thoại: Người này là ai, có mối liên hệ với người còn lại là gì? Ai hỏi, ai đáp? Khi hỏi đáp có bổ sung thông tin gì thêm hay hỏi lại gì không?

Khi luyện tập bạn có thể thực hiện bằng cách: chia trang giấy thành 2 hoặc 3 phần tùy theo số nhân vật trong đoạn hội thoại, mỗi phần ghi lại những gì mà nhân vật nói. Sau đó tập trung nghe và ghi lại những điều từng người nói để có thể vừa hiểu nội dung câu chuyện, vừa nắm bắt được thông tin nghe được từ từng nhân vật.

Mẹo thi TOEIC Part3 #3: Suy luận từ những dữ kiện có sẵn.

Hầu hết các đoạn đối thoại trong phần 3 sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi hay một lời yêu cầu. Bởi vậy, lắng nghe những gì người nói nói và lời đáp lại đầu tiên bởi nó có thể sẽ trả lời cho câu hỏi đầu tiên của bài.

Đối với những câu hỏi mang tính suy luận, bạn cần lắng nghe kỹ câu và loại trừ ra các phương án không chính xác. Đáp án có thể sử dụng các từ đồng nghĩa chứ không có trực tiếp từ trong hội thoại. Bởi thế, bạn cũng cần không ngừng bổ sung từ vựng cho mình.

Mẹo thi TOEIC Part3 #4: Tránh các bẫy phổ biến trong part 3.

4.1 Bẫy dùng từ lặp lại nhưng với ngữ cảnh khác nhau.
Đây là một bẫy phổ biến tiếp theo trong Part 3. Người ra đề dùng một “từ khoá” nhiều lần trong câu nhưng với ngữ cảnh khác nhau để “gây nhiễu”. Vì vậy chúng ta phải thật tỉnh táo để chọn lọc xem trong số những lần được sử dụng đó, “từ khoá” gắn với ngữ cảnh nào mới là “chiếc chìa khoá” cần tìm.
Cách tránh bẫy:
  • Bạn cần chú ý các liên từ “dấu hiệu” để đoán được hướng đi của ý người nói như từ tương phản (ngược chiều): “but”, “however”, “in contrast”,…; từ bổ sung ý (cùng chiều): “and”, “as well as”, “plus”,…
  • Chú ý nghe để nắm ý cả cả câu chứ KHÔNG bắt từ khoá riêng lẻ.
 4.2 Bẫy gây khó trong phân biệt ý định của người nói là đồng ý hay từ chối.

Đôi khi, trong đoạn hội thoại người nói sẽ sử dụng các cụm từ (thành ngữ), nếu không biết nghĩa của cụm này, người nghe sẽ khó xác định được là người nói đang tán thành hay phản đối ý kiến hoặc người nói sử dụng các cấu trúc như, “We used to, but….” hay “I'd love to but I have to….” thì ban đầu tưởng chừng đồng ý nhưng thật sự là từ chối, gây khó khăn trong việc hiểu và chọn đáp án.

Cách tránh bẫy:

  • Đừng cả tin vào một hai từ mà tai chúng ta nghe được, vì đó có thể là bẫy của người ra đề. Thay vào đó hãy cố gắng nghe và nhớ được các chi tiết cụ thể của bài hội thoại để có thể lựa chọn được đáp án chính xác cho câu hỏi.
  • Học thêm các cấu trúc “We used to, but….“ hay “I'd love to but I have to….”, các cụm từ, thành ngữ trong tiếng Anh.

Một số bẫy trong part 3:

  • Lẫn lộn thông tin giữa các nhân vật.
  • Dùng từ lặp lại nhưng ngữ cảnh khác nhau.
  • Khó phân biệt được ý định người nói là đồng ý hay từ chối.
  • Thông tin câu chi tiết xuất hiện trước và liên tiếp.